Mecha là một trong những thể loại lâu đời nhất của Anime, dù vậy hiện nay nó không còn ở đỉnh cao quá khứ như thời điểm những năm 90 (Gundam, Brave của Sunrise) hay Code Geass, Gurren Lagann gây dấu ấn với khán giả những năm 2000.

Mười viên ngọc ẩn thời hiện đại của Anime thể loại Mecha

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thể loại Mecha không còn Anime hay, bằng chứng là vẫn có nhiều tác phẩm chất lượng xuất hiện. Theo Wanderound, nhiều cái tên trong số đó đủ khả năng trở thành những tác phẩm kinh điển của thể loại Mecha.

Ginga Kikoutai Majestic Prince

Ginga Kikoutai Majestic Prince

Ra mắt lần đầu tiên vào mùa Xuân năm 2013, Majestic Prince sở hữu cốt truyện tương đối đơn giản khi con người phải đối chọi với những kẻ xâm lược ngoài hành tinh. Tuy nhiên, cách xây dựng dàn nhân vật chính gồm năm người (sau này là sáu) đã tạo nên rất nhiều sắc thái, không chỉ trong tính cách nhân vật mà còn ở sự tương tác giữa họ với nhau.

Ngoài ra, cách sử dụng Mecha trong Anime cũng rất tốt, không chỉ bởi những trận đánh cực kì mãn nhãn mà còn phần nào đó nhân cách hóa. Việc này khiến những cỗ máy nặng hàng tấn gần gũi với con người hơn, giống như chủ nhân của chúng.

Break Blade

Break Blade

Khởi đầu dưới dạng Manga và ra mắt vào năm 2006 (hiện nay vẫn còn tiếp tục), Break Blade được chuyển thể thành bản Điện ảnh gồm sáu phần, lần lượt công chiếu vào năm 2010 – 2011. Đến năm 2014, Break Blade lần đầu xuất hiện dưới dạng Anime.

Điều làm nên tên tuổi Break Blade là chất lượng hoạt họa mà Production I.G và XEBEC đã giữ vững xuyên suốt sáu phần phim. Phân cảnh chiến đấu khi các cỗ máy nặng hàng tấn lao vào nhau, bào mòn nhau bằng vũ khí tầm xa, tất cả đều được hoạt họa bằng tay, tạo nên sự hoành tráng đúng nghĩa.

Hơn nữa, chúng gắn liền với sự phát triển cũng như thay đổi trong Break Blade, không chỉ gói gọn ở nhân vật mà còn cả thế giới quan của tác phẩm, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho khán giả.

Kidou Senshi Gundam Unicorn

Kidou Senshi Gundam Unicorn

Gundam Unicorn ra mắt đầu những năm 2010, chuyển thể từ tác phẩm Light Novel cùng tên. Nằm trong mạch thời gian Universal Century (UC), xuất phát từ bộ Anime Gundam ra mắt năm 1979 nên Gundam Unicorn có lượng thông tin khá đồ sộ, những khán giả mới bắt đầu tìm hiểu có thể sẽ hơi choáng ngợp.

Lựa chọn phong cách thiết kế nhân vật có từ những năm 1979 – 1980 nhưng tác phẩm vẫn có những sự tươi mới, phù hợp với thời đại. Mức đầu tư cho phần hoạt họa của Unicorn là không thể bàn cãi khi chất lượng được đảm bảo xuyên suốt bảy tập OVA.

Chưa kể đến dấu ấn đậm nét của Hiroyuki Sawano, nhà soạn nhạc nổi tiếng Nhật Bản trong những bản nhạc nền của tác phẩm. Có thể nói, Gundam Unicorn đã mở ra tương lai, đánh dấu kỷ nguyên mới cho Gundam ở mạch thời gian Universal Century.

SSSS.Gridman

SSSS.Gridman

SSSS.Gridman có khởi đầu là Gridman the Hyper Agent, tác phẩm thuộc thể loại Tokusatsu (Loại phim sử dụng kĩ xảo thực hiện trực tiếp tại trường quay) và không gây nhiều ấn tượng cho khán giả ở thời điểm ra mắt so với người anh em cùng đơn vị sản xuất là Ultraman.

Tuy nhiên, “cú bắt tay” giữa Tsuburaya Production với Studio Trigger đã hồi sinh thương hiệu này một cách vô cùng mạnh mẽ, SSSS.Gridman sau đó trở thành tác phẩm mở đầu cho dự án GRIDMAN UNIVERSE.

Studio Trigger dường như đã tìm hiểu rất rõ nguyên tác và thành công trong việc “Anime hóa” những đặc trưng của một bộ Tokusatsu. Họ tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng và các yếu tố thỏa mãn khán giả lâu năm nhưng vẫn thu hút được số đông người xem chưa từng biết đến Gridman the Hyper Agent.

Ngoài ra, sự thành công về mặt chất lượng của hậu truyện SSSS.Dynazenon cũng khiến nhiều khán giả tin rằng SSSS.Gridman là tác phẩm cực kì đáng xem trong thể loại Mecha.

Promare

Promare

Là một tác phẩm khác đến từ Studio Trìgger (đồng sản xuất với XFLAG), nếu như SSSS. Gridman là một bộ Anime chiếu theo tuần thì Promare là tác phẩm điện ảnh, mang đến nhiều phân cảnh bùng nổ cho khán giả.

Cốt truyện gọn gàng, không có quá nhiều bước ngoặt, phân cảnh hành động cực kì bùng nổ và tràn ngập sắc màu. Phần nhạc nền của Promare cũng được đầu tư bài bản, đậm chất Hiroyuki Sawano.

Gundam Build Fighters (GBF)

Gundam Build Fighters

Đây có lẽ là phần Gundam gần gũi nhất với cộng đồng khán giả ở Việt Nam, đặc biệt là những em nhỏ khi có bản lồng tiếng Việt. Nội dung của Gundam Build Fighters rất thân thiện, dễ nắm bắt khi tập trung vào những mẫu Gunpla (Mô hình nhựa Gundam) thay vì những cỗ máy chiến tranh Gundam.

Đi cùng Gundam Build Fighters là dàn nhân vật được biên kịch rất tốt, kết hợp những màn chiến đấu hoành tráng và phần âm nhạc bùng nổ, đủ khiến cho các khán giả lâu năm phải kinh ngạc. Tác phẩm được ví như một bữa tiệc thịnh soạn mà ai cũng có thể thưởng thức.

Chính từ sự thành công này, Sunrise đã làm thêm ba phần phim xoay quanh mô-típ này gồm Gundam Build Fighters TRY, Gundam Build Divers, Gundam Build Divers Re:RISE và có được những thành công nhất định.

Kidou Senshi Gundam Tekketsu no Orphans (IBO)

Kidou Senshi Gundam Tekketsu no Orphans

Kidou Senshi Gundam Tekketsu no Orphans là một trong các phần phim về Gundam hướng đến đối tượng người lớn của Studio Sunrise. Như tiêu đề tác phẩm, những đứa trẻ mồ côi với “thiết huyết” chảy trong người là nhân vật chính của tác phẩm. 

Thiết kế Mobile Suit trong Kidou Senshi Gundam Tekketsu no Orphans cũng là điểm cộng lớn, tạo điểm nhấn cho nhân vật tự khẳng định bản thân. Trong tác phẩm, những trận chiến giáp lá cà giữa các cỗ máy xuất hiện nhiều hơn, tạo nên ấn tượng khó phai.

Knight’s & Magic

Kidou Senshi Gundam Tekketsu no Orphans

Knight’s & Magic nổi bật hơn so với những tác phẩm cùng thể loại nhờ cốt truyện, nhân vật chính trong Knight’s & Magic là một người có niềm yêu thích Mecha đến cực độ. Anh ta đã toàn tâm toàn ý vào điều duy nhất bản thân hướng đến, đó là lái một con rô bốt do chính mình tạo ra.

Tác phẩm được xây dựng một cách chặt chẽ và xuyên suốt, khán giả có thể theo dõi nhân vật chính từ việc phát triển sức mạnh bản thân đến lên ý tưởng cho cỗ máy, cuối cùng là hoàn tất thiết kế và bắt đầu sử dụng nó.

Thiết kế đồ họa trong bộ Anime này cũng tạo được dấu ấn lớn khi có sự pha trộn giữa ma thuật, phong cách giáp trụ phương Tây và những cảnh đánh nhau gay cấn, đây sẽ là một khởi đầu hợp lí cho những ai muốn xem thử Anime về Mecha.

Soukyuu no Fafner

Soukyuu no Fafner

Ra mắt lần đầu năm 2004, nếu chỉ tính riêng về Anime thì Fafner đã có một OVA, năm bản Điện ảnh và hai phần Anime. Chúng nếu không tiếp nối các sự kiện thì cũng là tiền truyện, thế nên việc tìm hiểu Soukyuu no Fafner sẽ tốn kha khá thời gian cho người mới.

Yếu tố đồ họa của bộ Anime cũng là một trở ngại khá lớn cho khán giả, tuy nhiên nếu kiên nhẫn thì có thể thấy đây là một tác phẩm tuyệt vời. Sở hữu cốt truyện cơ bản với con người đứng lên chống lại quái vật, Fafner về sau đã phát triển toàn bộ từ mặt nhân vật đến thế giới trong tác phẩm.

Đỉnh cao nhất của Soukyuu no Fafner là phần phim Exodus, khi mà mọi thứ đã hoàn hảo từ công nghệ sản xuất cho đến cốt truyện. Nếu bạn có một chút nhẫn nại để tìm hiểu thì Fafner sẽ là lựa chọn đầy tuyệt vời.

Kidou Senshi Gundam The Origin

Kidou Senshi Gundam The Origin

Gundam The Origin là tác phẩm Manga kể về câu chuyện của bộ Anime Kidou Senshi Gundam, vốn có xuất từ tận năm 1979. Tuy nhiên, khi chuyển thể thành Anime thì nó lại hướng khán giả đến nguồn gốc của nhân vật Char Aznable. 

Được phát triển theo hướng OVA, tương tự như Gundam Unicorn, chất lượng của Gundam The Origin là không phải bàn cãi. Ngoài ra, vì kể về nguồn gốc của một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với dòng thời gian UC nói riêng và Gundam nói chung, khán giả có thể tận hưởng tác phẩm mà không cần hiểu biết chung.

Bạn đã đọc xong bài viết Mười viên ngọc ẩn thời hiện đại của Anime thể loại Mecha, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Anime nhé!